“Bắt mạch” Sơn Hải Group của "đại gia" Nguyễn Viết Hải
Các năm trở lại đây, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Sơn Hải Group) đều đặn ghi nhận cả trăm đến nghìn tỉ đồng doanh thu mỗi năm, song tỷ suất sinh lời chỉ ở mức thấp.
Trụ sở chính của Tập đoàn Sơn Hải (Nguồn: Internet)
Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang – Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020.
Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Sơn Hải Group) được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu với giá trị đề nghị trúng thầu (vốn góp của nhà nước – VGF) là 1.788,28 tỉ đồng, thấp hơn 12 tỉ đồng so với mức vốn góp 1.800,28 tỉ đồng trong hồ sơ mời thầu.
Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 7.615 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật hơn 5.536 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm; thu phí và vận hành khai thác trong vòng 16 năm 3 tháng 28 ngày.
Về chủ đầu tư, như VietTimes từng đề cập, Sơn Hải Group được thành lập vào tháng 4/1998, trụ sở chính đặt tại số 117 Hữu Nghị, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở.
Trải qua nhiều lần nâng vốn, tính đến tháng 5/2019, Sơn Hải Group có vốn điều lệ hơn 2.310 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Viết Hải (nắm giữ 99,912% VĐL) và ông Lê Thanh Hướng (0,088%).
Trước đó, cơ cấu cổ đông của Sơn Hải Group có sự tham gia của một số cá nhân khác là bà Nguyễn Thị Hồng và bà Nguyễn Thị Hoa.
Ông Nguyễn Viết Hải (SN 1966) từng có nhiều năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT của Sơn Hải Group. Tháng 5/2019, ông Lê Thanh Hướng (SN 1994) đã thay ông Nguyễn Viết Hải đảm nhiệm cương vị cao nhất tại Sơn Hải Group.
Sơn Hải Group nổi lên từ năm 2014 với vai trò là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam có cam kết bảo hành chất lượng 5 năm (thời gian dài hơn so với quy định) cho các gói thầu thuộc dự án nâng cấp Quốc lộ 1A hay dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh.
Đầu năm 2015, tập đoàn này một lần nữa được nhắc đến là nhà thầu “về đích” đầu tiên tại dự án trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên khi hoàn thành trước gần 1 năm so với kế hoạch.
Ngoài ra, Sơn Hải Group từng tham gia nhiều dự án có quy mô lớn như: Dự án trọng điểm Quốc gia hồ chứa nước Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên Huế (tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng); Dự án hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận (tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng); Dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi, tỉnh Hà Tĩnh (tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng); Dự án đường cao tốc La Sơn – Túy Loan đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế (tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Sơn Hải Group đều đặn ghi nhận cả trăm đến nghìn tỉ đồng doanh thu mỗi năm, song tỷ suất sinh lời chỉ ở mức thấp.
Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Sơn Hải Group lần lượt đạt 722,4 tỉ đồng và 758,5 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 13,8 tỉ đồng và 39,3 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,9% và 5%.
Năm 2019, Sơn Hải Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.441,6 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 28 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,9%. Trước đó, năm 2018, 2 chỉ tiêu này lần lượt là 1.333,8 tỉ đồng và 19,3 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,4%.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Sơn Hải Group đạt 3.811 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.338 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 2,3% và 1,2% so với thời điểm cuối năm 2018.
Tham vọng thuỷ điện
Đầu năm 2019, Sơn Hải Group cùng ông Nguyễn Viết Hải và ông Nguyễn Quang Minh (SN 1966, Giám đốc của Sơn Hải Group) góp vốn thành lập Công ty TNHH Sơn Hải Thuỷ điện Hướng Sơn Quảng Trị - tên mới: Công ty TNHH Đầu tư Hướng Sơn (Hướng Sơn).
Cập nhật đến ngày 30/9/2020, Hướng Sơn có vốn điều lệ 412 tỉ đồng, trong đó Sơn Hải Group nắm giữ 39% cổ phần, ông Nguyễn Viết Hải nắm giữ 51% cổ phần còn ông Nguyễn Quang Minh nắm giữ 10% cổ phần.
Hướng Sơn là chủ đầu tư của 2 dự án thuỷ điện tại tỉnh Quảng Trị là Thuỷ điện Hướng Sơn bậc 2 và Thuỷ điện Hướng Sơn bậc 3. Trong đó, Thuỷ điện Hướng Sơn bậc 2 có công suất thiết kế 8 MW, được xây dựng trên địa bàn xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, có quy mô 72,36 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 217 tỉ đồng.
Thuỷ điện Hướng Sơn bậc 3 có công suất thiết kế 19 MW, được xây dựng trên diện tích đất rộng 102,58ha thuộc địa bàn các xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa; xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông và xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tổng mức đầu tư dự kiến 454,42 tỉ đồng.
Cả 2 dự án thuỷ điện này đều được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 8/5/2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2024.
Trước đó, cuối năm 2019, Hướng Sơn đã khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy thủy điện Đakrông 4 có tổng mức đầu tư 1.398 tỉ đồng, nằm trên địa phận 3 xã gồm: xã Đakrông, xã Ba Nang, xã Tà Long (huyện Đakrông).
Nhà máy thuỷ điện này có 2 tổ máy với tổng công suất 28 MW, dung hồ chứa khoảng 18 triệu m3, điện lượng trung bình hằng năm hơn 85 triệu Kwh.
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2019, Hướng Sơn ghi nhận doanh thu thuần đạt 13,6 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 0,4 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hướng Sơn đạt 1.396 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 535,8 tỉ đồng, cùng tăng khoảng 2 lần so với thời điểm cuối năm 2018.
Về ông Nguyễn Viết Hải, ngoài Sơn Hải Group và Hướng Sơn, ông cũng là người đại diện của Công ty TNHH Xăng dầu số 1, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ban Mai. Tuy nhiên, cả 2 pháp nhân này đều đã ngừng hoạt động.
Mặt khác, ông còn đang là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Sơn Hải Vương – thành lập ngày 21/8/2006, trụ sở chính đặt tại D6A - 05, lô D6, khu đấu giá 18,6ha, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Đặc biệt, ngoài kinh doanh, ông Nguyễn Viết Hải cũng tích cực tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Theo đó, ông Nguyễn Viết Hải là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình (thuộc tổ đại biểu thành phố Đồng Hới)./.
Nguồn: https://viettimes.vn/bat-mach-son-hai-group-cua-dai-gia-nguyen-viet-hai-post141361.html