Hà Nội muốn xây 6 cầu mới qua sông Hồng, sông Đuống
Việc triển khai 6 cây cầu sẽ yêu cầu các đơn vị thi công và cung cấp thiết bị tập trung đầu tư lượng lớn các máy móc như cẩu bánh xích, máy khoan cọc nhồi, cẩu bánh lốp, cần trục tháp, máy xúc đào, máy xúc lật, trạm trộn bê tông...
Tổng mức đầu tư của 6 cây cầu mới qua sông Hồng và sông Đuống lên tới gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD...
UBND thành phố Hà Nội vừa báo cáo Chính phủ về việc xây dựng 6 cầu mới trên địa bàn với tổng mức đầu tư gần 57.000 tỷ đồng.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc xây cầu mới là mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng
Theo UBND thành phố, việc xây dựng cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống ngoài việc khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5, 4, còn giữ vai trò quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng.
Để có thể triển khai thuận lợi các dự án trên, Hà Nội kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một loạt cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, mời thầu và cơ chế tài chính.
6 cây cầu thành phố đề xuất triển khai gồm: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2 và Giang Biên với tổng mức đầu tư gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD.
Cụ thể, cầu Tứ Liên có chiều dài 3km, rộng 29,5m có tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng. Địa điểm dự kiến xây dựng cầu nằm trên địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Thời gian hoàn thành cầu Tứ Liên được Hà Nội dự kiến trong năm 2021.
Cầu Thượng Cát nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng. Cầu Thượng Cát dự kiến có chiều dài 4,5km, rộng 60m. Thời gian thành phố Hà Nội dự kiến hoàn thành cầu vào năm 2021.
Cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng trên địa bàn quận Long Biên và Hoàn Kiếm có tổng chiều dài khoảng 3km, rộng 20m, với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 3,5km, rộng 19,2m, với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng. Điểm đầu cầu chính vượt sông thuộc khu vực đê Hữu Hồng trên địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng); điểm cuối, nút giao với đường Cổ Linh, thuộc phường Long Biên - Quận Long Biên.
Cầu Đuống 2 nằm trên địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Cây cầu và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Cầu Đuống 2 có chiều dài 0,5km, rộng 33m, dự kiến thời gian hoàn thành cầu trong năm 2021.
Cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nội cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp) với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Hà Nội dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành cây cầu này.
Liên quan đến việc xây cầu mới, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa kiến nghị Hội đồng Nhân dân thành phố cho phép xây 3 cầu qua hồ Linh Đàm nối với đường vành đai 3 nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông cho khu vực Linh Đàm. Tổng kinh phí cho 2 dự án này dự kiến lên tới 500 tỷ đồng.
Nguồn:St