Máy móc sẽ hỗ trợ con người nâng cao hiệu suất lao động
Công nghệ đang tác động mạnh mẽ
Năm quốc gia châu Á, gồm Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia được dự đoán sẽ nằm trong nhóm 15 thị trường sản xuất cạnh tranh nhất thế giới vào năm 2020. Dự đoán này dựa trên Báo cáo về Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu ngành sản xuất (GMCI) năm 2016 do Công ty Deloitte Touche Tohmatsu và Hội đồng Cạnh tranh của Mỹ công bố.
Báo cáo GMCI đã gọi 5 quốc gia trên là Mighty 5 (bộ năm quyền lực) hoặc MITI-V và cho rằng, nhóm này có tiềm năng trở thành cho “một Trung Quốc mới” trong một số lĩnh vực như lực lượng lao động, năng lực sản xuất linh hoạt, hồ sơ nhân khẩu thuận lợi, thị trường và sức tăng trưởng kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là, công nghệ sẽ có tác động thế nào đối với các nền sản xuất này? Robot, tự động hóa và công nghệ in 3D ngày càng được sử dụng rộng rãi, tác động lớn đến ngành sản xuất tại tất cả các quốc gia, trong đó, mối lo lớn nhất là khả năng thất nghiệp tăng.
Đây là lý do một trong những nội dung thảo luận được chú trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa diễn ra tại Đà Nẵng là tự động hóa và tương lai việc làm.
Người lao động không hề bị thay thế, thậm chí chính họ là người quản lý robot và các dây chuyền sản xuất.
Tác động tiềm ẩn đến nền kinh tế và con người của công nghệ tương đối rộng khắp. Bằng việc kết nối máy móc và thu được thông tin chuyên sâu từ dữ liệu, nền tảng Internet, ngành công nghiệp có thể bổ sung thêm 10 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu trong 20 năm tới.
Theo ước tính, tác động này ít nhất sẽ lớn gấp hai lần tác động của mạng Internet người tiêu dùng. Khi đó, thách thức dành cho các chính phủ và doanh nghiệp là làm thế nào để tối ưu hóa các tác động có lợi đến cho cộng đồng, xã hội.
Nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới đã chứng minh rằng, họ có thể vừa tận dụng công nghệ mới vừa đảm bảo duy trì việc làm cho công dân của mình.
Theo quan sát của GE, mất việc làm không diễn ra như nhiều người lo sợ, thay vào đó là sự thay đổi công việc để ngành sản xuất phát triển bền vững trong tương lai. Một nghiên cứu gần đây của McKinsey cho thấy, đến năm 2055, một nửa hoạt động trong công việc sẽ được tự động hóa, nhưng năng suất sẽ chỉ tăng nếu như con người và máy móc làm việc cùng nhau. Nghĩa là trong bối cảnh mới, thành công sẽ đến từ cách làm việc thông minh hơn chứ không phải nhờ tiết kiệm chi phí hơn.
Các nhà máy tự động hóa cao
Để tận dụng cơ hội lớn này, cách làm việc mới và thay đổi tư duy công việc là điều cần phải bàn vào lúc này. Về điểm này, GE có một lợi thế độc đáo. Kinh nghiệm thu được từ 125 năm hoạt động, kết hợp với kiến thức chuyên môn về số hóa cho phép GE phát triển thêm sự hiểu biết và kinh nghiệm trong các khía cạnh vật chất và số hóa của các tài sản trong ngành, ví dụ như cấu trúc nơi làm việc.
Để hiểu robot có thể và sẽ thay đổi ngành sản xuất như thế nào, cùng xem xét 2 nhà máy của GE để xem họ đang hội nhập với công nghệ mới ra sao.
Các nhà máy của GE có sự chênh lệch khá lớn về “độ tuổi”. Nhà máy Bromont tại Canada đã vận hành khoảng vài chục năm nay, còn nhà máy ở Hải Phòng thì mới đi vào sản xuất từ năm 2011. Với thâm niên chênh lệch như vậy, có thể có một quy trình chung nào có các hoạt động vận hành không? Câu trả lời là tại tất cả nhà máy GE đều đầu tư vào công nghệ và phát triển lực lượng lao động.
GE ủng hộ việc nâng cấp kỹ năng, đào tạo lại kỹ năng và thay đổi tư duy để nhân viên có thể tự quản lý hệ thống và các quy trình. Nói theo cách khác là GE đào tạo nhân viên để họ trở thành những người quản lý robot và quy trình tự động hóa.
Kể từ ngày thành lập vào năm 2011, Nhà máy Kỹ thuật số cao của GE tại Hải Phòng (Brilliant Factory) có doanh thu xuất khẩu là 500 triệu USD, đóng góp đáng kể cho kinh tế Việt Nam. Khi mọi việc diễn ra trôi chảy, ta thường hay thả lỏng và ngừng sáng tạo, nhưng GE Hải Phòng không như thế. Thay vào đó, chúng tôi tự đặt ra một số mục tiêu tương lai khá táo bạo, như giảm dần lao động thủ công, thủ tục giấy tờ và những việc làm không tạo ra giá trị; loại bỏ chất thải; và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sử dụng robot hàn, các quy trình vận hành không dùng cần cẩu, và dây chuyền sản xuất động. Kết quả là, sử dụng những công cụ số để hỗ trợ thao tác hàn đã làm tăng hiệu quả từ 12% lên 30%, trong khi đó, mô-men thông minh đã cải thiện quy trình quản lý chất lượng sản xuất và tăng năng suất thêm 5%.
Khác với GE Hải Phòng, nhà máy Bromont của GE lớn tuổi hơn, nhưng cũng có một câu chuyện công nghệ tương tự. Bromont bắt đầu sử dụng robot vào những năm 1990. Hiện tại, nhà máy có 180 robot đang thực hiện 50 triệu những tác vụ lặp đi lặp lại mà trước đây con người phải làm thủ công. Bằng cách đưa robot vào sử dụng, Bromont đã có thể giảm chu kỳ và mở rộng quy mô sản xuất lên 3,3 triệu chi tiết động cơ máy bay vào năm 2017, so với chỉ 4.500 chi tiết vào năm 1983. Đặc biệt, số lao động ở nhà máy chỉ tăng lên, chứ không giảm đi.
Không chỉ thế, trong khi số sự cố giảm đi thì mức độ tự động hóa tại Bromont cũng tăng lên. Về tổng thể, nhà máy này trở thành một trong những cơ sở hoạt động hiệu quả nhất của GE, đồng thời là trung tâm sản xuất các quy trình robot, ứng dụng phần mềm và tài sản trí tuệ tiên tiến nhất được xuất khẩu đi khắp thế giới.
Phải nhấn mạnh, thay đổi lớn nhất tại cả 2 cơ sở nói trên lại là trong tư duy. Tại nhà máy GE ở Hải Phòng, người vận hành có thể phát hiện và xử lý chất thải. Kỹ sư có thể phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định để cải thiện mức độ an toàn và chất lượng. Bộ phận bảo dưỡng có thể dự báo hoạt động bảo trì và chi tiết thay thế, trong khi ban lãnh đạo nhà máy có thể đưa ra các quyết định kịp thời hơn. Năng suất chung của nhà máy tại Hải Phòng đã tăng thêm 20%.
Trong khi ở Canada, văn hóa quản lý có sự tham gia của nhân viên đã giúp nhà máy Bromont tăng năng lực sản xuất. Thành công này chỉ đạt được khi nhân viên được trao quyền, đồng thời nhận thức được rằng, công nghệ sẽ hỗ trợ họ, chứ không lấy đi việc làm của họ.
Mối quan hệ giữa người lao động và robot
Khi xem xét các hoạt động sản xuất tại Việt Nam, Canada hay bất kỳ đâu, GE nhận ra rằng, cần có sự tham gia của toàn thể nhân viên để quản lý những thay đổi liên quan đến robot và tự động hóa. Người lao động không hề bị thay thế, thậm chí chính họ là người quản lý robot và các dây chuyền sản xuất. Để biến điều này thành hiện thực, GE đã đề nghị nhân viên tham gia vào mọi khâu để cải thiện quy trình và lên kế hoạch sản xuất.
Tại những cơ sở mà trước đây các tác vụ thủ công chiếm đa số, thì giờ chỉ cần đến lực lượng lao động tay nghề cao tham gia vào quy trình sản xuất. Những thay đổi trong công nghệ và thực tiễn công việc nhấn mạnh lý do tại sao giai đoạn sản xuất tiếp theo sẽ là một cuộc chạy đua để dẫn đầu thị trường và tất nhiên, không thể thiếu robot.
Công nghệ sẽ có tác động lớn, định hình lại toàn bộ ngành sản xuất tại những nền kinh tế phát triển và mới nổi. Vấn đề lúc này là cách thức đối diện và xử lý những thay đổi này như thế nào, ở cả góc độ Chính phủ và doanh nghiệp. Trong tương lai này, các công ty không chỉ sử dụng robot, tự động hóa và các công nghệ khác mà còn phải đào tạo và kêu gọi người lao động cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi này. Đối với người lao động, công nghệ sẽ không lấy đi việc làm mà còn đưa họ trở thành người sử dụng công nghệ, để tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới đang đến.